Mầm non Phú Lahttps://mnphula.pgdhadong.edu.vn/uploads/mnphula/logomamnon_90bf801ede9f2365af8acbd5da6b3621.png
Chủ nhật - 20/11/2022 09:04
Hòa trong không khí rộn ràng hân hoan cả nước kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022), toàn thể CBGVNV nhà trường đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua lớn nhất trong năm học. Ngày 21/10/2022, trường mầm non Phú La tổ chức khai mạc hội thi “Giáo viên, nhân viên giỏi cấp trường” năm học 2022-2023 với sự góp mặt của đầy đủ của BGH, GV đại diện cho các nhóm lớp và nhân viên tổ nuôi dưỡng.
Hội thi diễn ra nhằm tuyển chọn và công nhận giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, Nhân viên nuôi dưỡng giỏi cấp trường, tạo điều kiện để giáo viên, nhân viên thể hiện năng lực, học tập, trau dồi kinh nghiệm về giảng dạy, tổ chức lớp học, khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học, thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo hướng đổi mới. Hội thi đã góp phần triển khai các phong trào thi đua sôi nổi trong giảng dạy, chăm sóc trẻ ở nhà trường. Khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện cho giáo viên, nhân viên trong công tác tự học và sáng tạo. Qua đó nhằm phát hiện tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
Diễn ra cùng ngày khai mạc, Nhà trường đã tiền hành thi lý thuyết đối với GVNV. Ở phần thi này các cô GVNV được làm bài thi trên giấy với 16 câu hỏi trắc nghiệm kiến thức về nội dung Điều lệ trường mầm non, Quy chế nuôi dạy trẻ, Chương trình giáo dục mầm non, Nhiệm vụ năm học,…và 1 câu hỏi tình huống thiết thực với thực tế chăm sóc- giáo dục trẻ hằng ngày trong thời lượng 30 phút. Với tinh thần chăm chỉ học tập và làm bài nghiêm túc trong phần thi lý thuyết có tới 98% GVNV xếp loại giỏi và không ai xếp loại đạt. Đó là 1 kết quả rất đáng mừng khởi đầu cho hội thi thành công tốt đẹp.
Diễn ra sau đó, trong thời gian 3 tuần từ ngày 24/10/2022 đến hết ngày 11/11/2022 là phần thi thực hành của GVNV.Ở phần thi hội giảng nội dung hoạt động của các cô giáo lựa chọn đều phù hợp với độ tuổi của trẻ và phù hợp với yêu cầu chung của chương trình GDMN về các lĩnh vực phát triển toàn diện cho trẻ như thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mĩ và tình cảm, kỹ năng xã hội. Các hoạt động đều được các cô giáo trau chuốt có sự chuẩn bị và đầu tư về đồ dùng, đồ chơi cũng như về nội dung bài dạy nên kết quả hội giảng tương đối cao.Có 19/39 xếp ,loại giỏi đạt 49% và 20/39 giáo viên xếp loại khá đạt 51%.
Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là một môn học hướng đến sự hoàn thiện cơ thể, hình thành những kỹ năng, kỹ xảo vận động cơ bản. Từ đó phát triển được khả năng, phẩm chất của trẻ, hình thành một lối sống lành mạnh trong học tập cũng như trong cuộc sống. Hiểu được ý nghĩa của hoạt động này các cô giáo trường mầm non Phú La đã lựa chọn các bài tập phù hợp với đặc điểm phát triển của từng độ tuổi. Thông qua hoạt động trẻ được rèn luyện một số kỹ năng cơ bản như lắng nghe và làm theo hiệu lệnh hay sự hướng dẫn của giáo viên, xếp hàng đợi đến lượt, hoạt động theo nhóm. Các tiết học được xây dựng với các hoạt động vui chơi để trẻ có cơ hội rèn luyện sức bền, sự nhanh nhẹn, sự khéo léo và sự linh hoạt trong việc vận động. Thông qua, môn học trẻ cũng được phát triển trí tuệ: Bằng cách kết hợp các kiến thức nền tảng cho trẻ mầm non như số đếm, màu sắc, hình khối,cách sắp xếp vào các hoạt động thể thao.
Trong lĩnh vực PTNN, một số giáo viên đã có sự sáng tạo, linh hoạt, đổi mới về hình thức tổ chức cho trẻ. Các cô giáo đã dày công thiết kế các đồ dùng kể chuyện bằng các hình thức khác nhau như: kể chuyện cuốn sách to khổng lồ của cô giáo Ngô Thuỷ và cô Nguyễn Tân lớp MGB, kể chuyện bằng sa bàn tròn của cô giáo Uyên, kể chuyện bằng tranh cát của cô giáo Thanh Nga hay đặc sắc hơn là kể chuyện bằng rối tay và rối bóng của cô Ngọc Gấm. Lời kể truyền cảm, hấp dẫn của từng câu chuyện kết hợp minh hoạ bằng các đồ dùng trực quan đã tạo sự hứng thú, kích thích tính tích cực của trẻ. Mỗi một câu chuyện hay một bài thơ là một bài học sâu sắc cho trẻ về tình cảm và kỹ năng sống.
Hoạt động PTNN đối với trẻ MGL 5 tuổi còn thông qua các tiết học chữ cái. Hiểu được đặc điểm tâm lý của trẻ “Học mà chơi, chơi mà học”, các cô giáo đã thiết kế giờ học nhẹ nhàng thông qua các trò chơi. Từ đó, trẻ được phát huy hết tkhả năng của bản thân và khắc sâu được kiến thức.
Phát triển nhận thức của trẻ mầm non là sự phát triển của quá trình tư duy, liên quan đến khả năng xử lý thông tin, suy luận, phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và trí nhớ. Sự phát triển nhận thức ở trẻ mầm non rất quan trọng. Nó gắn liền vớisự phát triển của não bộ, cho phép trẻ khám phá thế giới xung quanh và giải quyết vấn đề. Vì vậy, lĩnh vực phát triển nhận thức là một hoạt động không thể thiếu trong giáo dục mầm non. Ở trường MNPL, một số giáo viên đã tổ chức các hoạt động phát huy tối đa tính tích cực của trẻ, để trẻ thực sự là trung tâm và được trải nghiệm các hoạt động rất vui và bổ ích. Trẻ rất thích thú và hào hứng khi được tham gia cùng cô và các bạn.. Các cô giáo đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp giáo dục tích cực vào hoạt động của mỉnh như hoạt động khám phá quả trứng theo phương pháp giáo dục STEAM cho trẻ MGL 5 tuổi của cô giáo Võ Hương hay hoạt động thí nghiệm thú vị của cô giáo Nguyễn Thị Thơ. Ngoài ra trẻ còn được khám phá về bản thân mình như 5 giác quan của con người, điều kỳ diệu từ đôi bàn tay hay chỉ đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa là hoạt động trò chuyện về “Mẹ của bé” của cô giáo Lê Linh.
Các tiết học LQVT tưởng chừng như khô khan nhưng cũng không làm khó được các cô giáo của trường MNPL. Các cô giáo đã biến các tiết học thành các giờ chơi cho trẻ. Tận dụng các đồ chơi quen thuộc trên lớp để dạy trẻ học đếm, học tách gộp hay dạy trẻ xác định phương hướng trong không gian và biết cách sắp xếp theo quy tắc. Các tiết học diễn ra thoải mái, nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả cao. Trẻ được học tập theo hướng đồng tâm phát triển, các kiến thức được nâng cao dần ở các lứa tuổi sau. Qua tiết học trẻ vận dụng được các kiến thức đã học của mình vào cuộc sống thực tiễn hằng ngày như biết đếm số lượng khi cần, biết định hướng phía phải, trái của bản thân và người khác, biết vận dụng sắp xếp quy tắc để trang trí, làm đồ dùng, đồ chơi.
Để trẻ phát triển toàn diện không thiếu lĩnh vực giáo dục phát triển thẩm mỹ. Đây là một phần rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ của trẻ mầm non. Thông qua giáo dục thẩm mỹ, trẻ hiểu được cái hay cái đẹp của cuộc sống, từ đó có cách ứng xử tốt đẹp với gia đình và những người xung quanh. Lĩnh vực giáo dục phát triển thẩm mỹ được thông qua 2 hoạt động là Âm nhạc và Tạo hình. Ở các tiết học âm nhạc các cô giáo đã dạy trẻ hát thêm nhiều bài hát phù hợp với độ tuổi và biết cách biểu diễn các bài hát sao cho hay hơn như vận động minh hoạ, vỗ tay theo nhịp, hay hát bằng âm La. Từ đó, trẻ biết cách thể hiện mình trên sân khấu thật tự tin và vui tươi.
Ngoài ra, qua các hoạt động âm nhạc trẻ được cảm nhận thêm về giai điệu, nội dung của các bài hát nghe qua sự trình bày khéo léo của cô giáo lớp mình. Đó cũng là một cơ hội để nhà trường phát hiện ra thêm nhiều tài năng âm nhạc để bồi dưỡng và thể hiện trong các phong trào thi đua của nhà trường. Không dừng lại ở đó, hoạt động âm nhạc còn được diễn ra vui tươi khi trẻ được chơi các trò chơi âm nhạc mới lạ phát triển tai nghe và luyện âm cho trẻ.
Nhắc tới hoạt động tạo hình, đây là hoạt động giúp cho trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu các đối tượng miêu tả để có được hiểu biết, sự hình dung về các đối tượng, từ đó xây dựng các biểu tượng. Nhờ hoạt động tạo hình mà vốn hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh được tăng lên, ngày càng trở nên “giàu có” hơn cả về số lượng và chất lượng. Hiểu được ý nghĩa to lớn đó, các cô giáo trường MNPL đã luôn tìm tòi, tổ chức nhiều nội dung với các hình thức khác nhau cho trẻ trong các hoạt động tạo hình. Các cô giáo đã lựa chọn các đề tài tạo hình phù hợp với độ tuổi như in đồ, dán hình, chấm màu với tuổi nhà trẻ và MGB, chắp ghép các nguyên vật liệu khác nhau để trang trí của lứa tuổi MGN, hoặc tận dụng các nguyên vật liệu thiên nhiên theo pp Reggio, các nguyễn vật liệu tái chế để tạo hình của lứa tuổi MG lớn. Trẻ rất thích thú, hăng say tham gia và có nhiều sản phẩm đẹp, sáng tạo. Đa số trẻ có kỹ năng tạo hình tốt khi sử dụng đa dạng các nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm tạo hình theo đề tài giáo viên đưa ra. Đó là kết quả của quá trình trẻ được rèn luyện các vận động tinh, các kỹ năng khéo léo và mắt nhìn thẩm mỹ trong tạo hình
Kỹ năng tự phục vụ của trẻ cũng được các cô chú trọng rèn luyện và trẻ thể hiện tốt trong các giờ hoạt động. Từ lứa tuổi nhà trẻ trẻ đã có thể bê và cất đồ dùng dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của cô. Trẻ ở các lứa tuổi mẫu giáo đã biết tự chủ động, phối hợp cùng các bạn để hoàn thành các nhiệm vụ khi được giao trong các tiết học. Đa số trẻ tham gia hoạt động đều có kỹ năng tự phục vụ tốt, trẻ có kỹ năng chào hỏi, nề nếp học tập chỉnh chu, có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và để rác đúng nơi quy định. Đó là thành công của các cô giáo trong qúa trình dạy trẻ hằng ngày để trẻ có thói quen, hành vi tốt, trở thành 1 người văn mình, lịch sự trong tương lai. Trong hội giảng lần này có thể thấy các cô giáo đã ứng dụng khả năng sử dụng CNTT hiệu quả vào trong các tiết học. Đó là sự thay đổi tích cực để giáo viên của chúng tôi bắt nhịp kịp với thời thời đại 4.0. Vận dụng linh hoạt CNTT cũng giúp giáo viên giảm tải hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng. Trẻ được tương tác với các thiết bị điện tử trẻ cũng thực sự thích thú hơn. Ngoài phần thi thực hành đối với giáo viên, ngày 11/11/2022 đã diễn ra phần thi thực hành dành cho các cô nhân viên trogn tổ nuôi dưỡng. Các cô nhân viên nuôi dưỡng rất tích cực tham gia vào phần thi của mình. Các cô đã chia thành 3 nhóm để phần thi được tiến hành 1 cách thuận lợi nhất. Các cô đã tỉ mỉ, cẩn thận chuẩn bị các nguyên vật liệu tươi ngon và phong phú với đầy đủ các màu sắc và dinh dưỡng. Trong quá trình chế biển các cô luôn đảm bảo nguyên tắc VSATTP để làm ra các món ăn với đầy đủ các tiêu chí “An toàn- Tươi ngon và Hấp dẫn”. Các nhóm đã xây dựng thực đơn cân đối khẩu phẩn ăn theo 1 ngày của trẻ mầm non. Các món ăn được chế biến bằng cách cắt nhỏ, có hương vị và sở thích của trẻ mầm non như : Cơm trộn, Trứng hấp vân, Thịt bò sốt ăn kèm bánh bao,Cơm ben tô, cơm cuộn rong biển Tôm viên chiên, cháo cá hồi bí đỏ, Canh gà nấu nấm,...Những món ăn đều được các cô nhân viên dày công chế biến và bài trí rất đẹp mắt. Thông qua hội thi lần này, Nhà trường cũng lựa chọn được một số món ăn nổi bật phù hợp để đưa vào thực đơn của trẻ tại trường.
Không chỉ đánh giá các cô giáo về năng lực giáo dục trẻ, ngày 14/11/2022 Nhà trường còn tổ chức đánh giá hoạt động trang trí nhóm lớp. Nhìn chung, trong các lớp học đều có đày đủ các góc chơi cho trẻ, bố trí góc động và tĩnh hợp lý. Lớp học được trang trí màu sắc hài hoà và bài trí phù hợp với tầm mắt của trẻ theo từng độ tuổi. Mỗi góc chơi đều được giáo viên trang trí nổi bật đặc trưng của góc, sắp xếp đồ dùng đồ chơi gọn gàng theo nội dung chơi. Các lớp đã đổi mới trang trí theo phương pháp Reggio, Steam , ứng dụng nhiều các nguyên vật liệu thân thiện với trẻ. Các lớp đều có các bài tập Montessori cho trẻ thực hành. Hành lang lớp học trang trí, trưng bày sản phẩm của cô và trẻ đẹp, sáng tạo, phù hợp và mang tính thẩm mỹ. Trong lớp và trong nhà vệ sinh đã đưa nhiều cây xanh tạo cảnh quan và không khí thân thiện, trong lành. Sổ sách của cô và trẻ, cập nhật đúng thời gian quy định. Hồ sơ lưu khoa học và sạch sẽ
Liên hoan biểu diễn văn nghệ là hoạt động không thể thiếu trong hội thi lần này. Ngày 15/11/2022 các lớp mẫu giáo đều sôi nổi tham gia thi văn nghệ và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của phụ huynh. Các con lên sân khấu với trang phục chỉnh chu, trang điểm đẹp và biểu diễn rất tự tin. Các tiết mục biểu diễn phong phú với nhiều hình thức khác nhau như: Múa cô và trẻ, Earobic, biểu diễn thời trnag, múa dân gian đương đại,.. Các tiết mục đều làm nổi bật lên ý nghĩa chào mừng ngày Nhà giáo VN 20/11. Đó là những món quà rất ý nghĩa và to lớn cho tập thể CBGVNV nhà trường.
Đến với hội thi này, có những cô giáo viên, nhân viên tuổi đời còn rất trẻ, kinh nghiệm dạy học chưa nhiều; có những cô tuy tuổi đã cao nhưng với lòng nhiệt tình, niềm say mê với nghề nghiệp các cô đã khắc phục mọi khó khăn để tìm cho mình một con đường học tập tốt nhất. Các cô đều có mong muốn đem hết khả năng của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhà trường giao phó, đồng nghiệp tin yêu, gửi gắm và mong chờ. Mặc dù sẽ không tránh khỏi những sai sót hay tồn tại song tập thể CBGVNV nhà trường sẽ cố gắng đem hết khả năng, sự sáng tạo của mình để góp phần vào việc cao chất lượng hội thi đồng thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành.